Thông Tin
Trang Chủ / Nông thôn mới / Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Dồn sức xây dựng nông thôn mới

Ngày 25-6, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và một năm thực hiện Chỉ thị 18-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố”. Đồng chí Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố chủ trì hội nghị.
Diện mạo nông thôn chuyển biến mạnh  
Báo cáo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết trình bày tại hội nghị cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, thành phố Đà Nẵng đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt, bảo đảm các mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết đề ra. Trong đó, Đà Nẵng đã tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ do Trung ương ban hành về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Riêng trong giai đoạn 2008-2010, hỗ trợ ngư dân 39,3 tỷ đồng. Từ năm 2011-2012, hỗ trợ ngư dân nhiên liệu, bảo hiểm, máy thông tin liên lạc cho tàu khai thác vùng biển xa gần 20 tỷ đồng; hỗ trợ thủy lợi phí 34,6 tỷ đồng cho nông dân. Ngoài các chính sách của Trung ương, Đà Nẵng đã ban hành thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn như: phát triển kinh tế tập thể trên lĩnh vực nông nghiệp, hỗ trợ máy Icom M710 cho tổ, đội khai thác thủy sản; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cho ngư dân. Đặc biệt, hỗ trợ từ 400 – 500 triệu đồng/tàu cho ngư dân đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi bám biển, tăng sản lượng đánh bắt, bảo vệ ngư trường, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Qua thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2009-2013 ước tăng bình quân 3,02%/năm, tăng 1,54%/năm so với giai đoạn 2004-2008. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp; chuyển dịch theo hướng phát triển các loại cây trồng, con vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, giá trị kinh tế cao để từng bước hình thành nền nông nghiệp đô thị sinh thái. Nổi bật trên lĩnh vực này là thành phố đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, nấm, hoa, nuôi tôm, trồng lúa giống tại huyện Hòa Vang theo tiêu chuẩn, tạo diện mạo mới trong sản xuất nông nghiệp của thành phố.
 
Trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi, Đà Nẵng thành công trong việc tăng năng suất lúa từ 53,5 tạ/hecta năm 2008 lên 58 tạ/hecta ước tính năm 2013. Các mô hình chăn nuôi hiệu quả như nuôi heo rừng, nhím, dê, cá, gà, thỏ… mang lại thu nhập cao cho người nông dân… Các mô hình kinh tế lâm nghiệp kết hợp trồng rừng bảo đảm mục tiêu đề ra.
Trên lĩnh vực thủy sản, Đà Nẵng đã tập trung triển khai các chương trình, dự án thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trọng tâm là thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển khai thác xa bờ và đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá không chỉ phục vụ riêng cho thành phố mà còn hỗ trợ ngư dân các tỉnh khu vực miền Trung. Trong đó, Cảng cá Thọ Quang trở thành trung tâm nghề cá của khu vực. Đến nay, hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền, Khu công nghiệp dịch vụ hậu cần, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả. Năm 2012, sản lượng đánh bắt qua cảng đạt gần 105.000 tấn, tăng 2,3 lần so với năm 2009.
Về công nghiệp, dịch vụ nông thôn được tập trung đầu tư. Giá trị sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện Hòa Vang giai đoạn 2009-2012 đạt 20,4%/năm. Rõ nét nhất là thành phố xuất hiện ngày càng nhiều khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đồng quê như: Khu du lịch Bà Nà Hills, Suối Hoa, Ngầm Đôi, Hòa Phú Thành… Sự đầu tư và phát triển hiệu quả đó đã góp phần tạo nên diện mạo nông thôn mới với nhiều khởi sắc đáng mừng.
Tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững
“Phương châm là địa phương nào làm tốt, làm hiệu quả là tập trung đầu tư mạnh. Nơi nào làm không hiệu quả, không tạo được chuyển biến tích cực thì bị phê bình”
Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ
Về xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông nghiệp, nông thôn được các cấp, các ngành của thành phố chú trọng đầu tư gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, giao thông nông thôn, thủy lợi, nước sạch, công trình phục vụ dân sinh triển khai rộng khắp 11/11 xã của huyện Hòa Vang. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn nông thôn của thành phố năm 2012 là 18,75 triệu đồng (năm 2008 đạt 13,66 triệu đồng/người/năm).
Riêng về chương trình giảm nghèo, trong 4 năm qua, Đà Nẵng giảm 34.204 hộ nghèo. Hiện toàn thành phố còn 16.795 hộ nghèo theo chuẩn mới của thành phố. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường, giải quyết việc làm đạt nhiều kết quả tích cực. Các mô hình hợp tác xã tăng về số lượng, phát huy hiệu quả kinh tế, giải quyết nhiều công ăn việc làm và nâng cao thu nhập, giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo bền vững. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp bước đầu cho kết quả khả quan. Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động từ ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2009-2013 ước tính khoảng 1.037 tỷ đồng.
Về Chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Trần Đình Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố cho biết, trung bình đầu tư từ 140-150 tỷ đồng/năm. Từ khi triển khai Chỉ thị 18, huyện Hòa Vang nhận sự quan tâm, hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức, sở, ban, ngành, cán bộ, công chức thành phố với số tiền 245,5 tỷ đồng… Đến nay có 2 xã đạt từ 15-17 tiêu chí; 9 xã đạt từ 10-13 tiêu chí. Phấn đấu đến cuối năm 2013, 2 xã Hòa Châu và Hòa Tiến đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm 2015, 4 xã: Hòa Nhơn, Hòa Phước, Hòa Khương và Hòa Phong hoàn thành 19/19 tiêu chí.
Bên cạnh những ưu điểm, hội nghị thẳng thắn nêu những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 như: cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch chậm; một số địa phương chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế để mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con vật nuôi theo hướng hiệu quả. Đặc biệt, tiến độ hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm. Đà Nẵng vẫn thiếu các sản phẩm nông nghiệp mang tính cạnh tranh. Chưa có sự liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các làng nghề truyền thống chưa có đột phá về sản xuất, cung ứng sản phẩm. Bên cạnh đó, mức sống, thu nhập người nông dân chênh lệch cao so với đô thị…
Không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ
Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 và Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Thành ủy của các cấp, các ngành, hội đoàn thể trong việc xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đà Nẵng. Đồng chí Trần Thọ đề nghị các cấp, các ngành làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xem đây là nhân tố có ý nghĩa chiến lược tạo nên sự thành công trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) và Chỉ thị 18 của Ban Thường vụ Thành ủy. “Nông thôn, nông dân luôn thiệt thòi hơn đô thị vì hộ nghèo nhiều, nhà tạm nhiều, hạ tầng và chất lượng cuộc sống thấp, gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình có công cách mạng rất nhiều nên việc quan tâm đầu tư cho nông thôn không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ mà còn là tình cảm sẻ chia thấm đượm nghĩa tình”, đồng chí Trần Thọ nhấn mạnh.
 
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực, phụ trách Thành ủy Trần Thọ yêu cầu tập trung giải quyết nhanh các dự án trên địa bàn để người dân sớm an cư lạc nghiệp. Trong đó, rà soát công tác quy hoạch, nhất là các dự án treo để báo cáo đề xuất điều chỉnh hợp lý, tháo gỡ kịp thời vướng mắc cho người nông dân. Cần tăng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18 nhằm tạo sự chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ trong thời gian đến. Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sạch; biểu dương nông dân sản xuất giỏi giúp đỡ nông dân khó khăn. Đầu tư nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản, đánh bắt xa bờ; ưu tiên phát triển các chính sách an sinh xã hội. Đẩy mạnh xây dựng đường giao thông nông thôn, tạo bứt phá từ nay đến năm 2014; bên cạnh đó, tích cực phát huy vai trò nội lực chủ thể của nông dân, Hội Nông dân và các hội nghề nghiệp; các làng nghề, hợp tác xã…; tranh thủ sự giúp đỡ của các ngành, các cấp của thành phố.
Đồng chí Trần Thọ lưu ý trong quá trình triển khai thực hiện cần hạn chế tư tưởng chủ quan, trông chờ đang còn trong ý thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân các địa phương. Các cấp ủy, chính quyền coi việc xây dựng nông thôn mới là nội dung thường xuyên trong công tác lãnh đạo, điều hành; lấy sự khởi sắc trong xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18 để đánh giá tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh cuối năm…
Tại hội nghị, UBND thành phố tặng Bằng khen cho 37 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của Đà Nẵng trong năm 2012.

Tác giả bài viết: UBND Huyện Hòa Vang

Nguồn tin: www.hoavang.danang.gov.vn

About Ban biên tập xã Hòa Phước

Một số bài viết bạn có thể quan tâm

55

UBND – Công đoàn – Các hội đoàn thể xã Hòa Phước phối hợp tổ chức Ngày hội “Gia đình nói không với bạo lực – chung tay bảo vệ môi trường” năm 2023.

Nhằm chào mừng kỷ niệm 22 năm ngày Gia đình Việt Nam và hưởng ứng …

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *